Phân biệt giữa tôm khô biển và sông có thể dựa trên mùi “biển”. Tôm biển khi sờ vào sản phẩm có thể còn lợn cợn và nghe mùi rất đặc trưng. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người thích mua tôm biển. Lý do nhiều người thích ăn là do tôm biển thịt ngọt, hơi dai, có độ mặn, bảo quản lâu. Nhiều nơi bán tôm khô sông là tôm bạc đất, là loại tôm nuôi ở vùng nước lợ, tuy chất lượng tôm khô sông không ngon bằng tôm biển nhưng rất phổ biến.
Con tôm khô được sử dụng phổ biến trong bữa cơm gia đình người Việt. Nó được dùng như một nguyên liệu để nấu nước dùng cho tô canh có vị ngọt đặc biệt rất hợp với các loại quả bầu, quả bí, rau ngót, rau mùng tơi… Chẳng thế mà hầu như trong nhà ai cũng có tôm khô để dành ăn dần.
Nhiều người ưa chuộng nấu canh với tôm hơn nấu với thịt, bởi món canh thường có vị ngọt nhẹ nhàng, lại không ngấy mỡ, thanh mát dễ ăn, phù hợp với thời tiết nóng nực hoặc lúc mệt mỏi sau một ngày làm việc.
Có những món ngon phải dùng tôm khô mới đúng kiểu, tôm tươi không thể nào thay thế được. Như tôm khô đối với món xôi mặn. Tôm được ngâm nở mềm rồi xào với hành, tóp mỡ, thêm hành lá cắt nhỏ cho xanh xanh đỏ đỏ làm nhân cho đĩa xôi. Đĩa xôi trắng trắng ngà, dẻo thơm cùng nhân tôm xào đó là sự kết duyên giữa vị ngọt của hạt nếp đồng xanh hòa cùng vị ngọt của con tôm khô biển. Thịt tôm dai, càng ăn càng thấy thơm ngọt.
Tôm khô cũng có thể làm thành món ruốc tôm độc đáo. Làm ruốc từ tôm tươi thì khi giã ra rang lên, món ruốc không giữ được sớ thịt dài mà lại vụn. Ruốc làm từ tôm khô loại ngon, con to sẽ cho sợi dài, màu hồng rất đẹp và hương vị hấp dẫn vô cùng. Thế nên ruốc tôm mới đắt nhất trong các loại ruốc, bởi vị ngon hơn hẳn ruốc làm từ thịt heo, thịt gà hay cá.
Chẳng kém gì các loại thịt tươi, tôm khô còn trực tiếp làm nên hương vị của các món xào, món gỏi, món hầm hay các món cơm rang. Bạn có thể làm đậu bắp xào tôm khô, cơm chiên tôm khô, bún tôm khô hay gỏi cần tây trộn tôm khô…. Những con tôm chắc nịch được chần qua nước sôi, trộn củ kiệu cũng thành món ăn ngon và lạ miệng.